2022-08-10 23:54:03blog share

Phân tích bài thơ “Bếp lửa”

“Bếp lửa” là một trong những bài thơ miêu tả cảm xúc trong sáng trong tâm trí con người. Đó là tình yêu ông bà, tình yêu quê hương đất nước, tình người sâu nặng. Đây cũng là tài liệu ôn tập văn lớp 10 mà các thí sinh cần lưu ý trong quá trình ôn tập. Nhằm giúp các bạn học sinh hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tác phẩm, hãy cùng HOCMAI phân tích tác phẩm Bếp lửa.

Bạn đọc cũng có thể tham khảo chi tiết hơn tại đây:

https://hoctot.hocmai.vn/phan-tich-bai-tho-bep-lua-tac-gia-bang-viet-hocmai.html

I. Thông tin về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả: Bằng Việt

– Tên thật: Nguyễn Việt Bằng 

 

– Sinh năm 1941

 

– Quê quán: huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây

 

– Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ những năm 60 của thế kỉ XX và tập trung lấy cảm hứng ở hai mảng đề tài là: nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và vẻ đẹp của con người trong cuộc sống đời thường.

 

Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của Bằng Việt

 

Năm 1965, Bằng Việt tốt nghiệp khoa Pháp lý tại Đại học Tổng hợp Kiev. Sau đó, ông công tác tại Viện Luật học trực thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.

 

Năm 1969, Bằng Việt chuyển công tác, tham gia vào Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Năm 1970, Bằng Việt với tư cách là một phóng viên chiến trường, ông nhận nhiệm vụ công tác tại chiến trường Bình Trị Thiên.

 

Năm 1975, ông tiếp tục công việc tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

 

Năm 1983, Bằng Việt đảm nhiệm vị trí Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội và là một trong những người tham gia sáng lập tờ báo văn nghệ mang tên “Người Hà Nội” (xuất bản năm 1985).

 

Ngoài ra, ông còn được bầu làm Uỷ viên Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, phụ trách tổng biên tập tờ tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (từ 1989 đến 1991).

 

Năm 2001, ông nhận chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2006 – 2010.

 

Bằng Việt bắt đầu tiếp xúc với thơ ca từ năm 13 tuổi nhưng đến năm 1961, tác phẩm đầu tiên của ông mới được ra đời với tên “Qua Trường Sa”. Thơ Bằng Việt đa dạng về thể loại, từ thơ không vần, thơ xuống thang rồi bắc thang, tất cả những thể thơ này đều có trong các tác phẩm của ông. 

 

Những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Bằng Việt: 

 

Tập thơ Hương cây, đồng sáng tác với Lưu Quang Vũ

 

Tập thơ Những gương mặt – Những khoảng trời (1973)

 

Ký sự thơ Đường Trường Sơn, cảnh và người (1972 – 1973)

 

Tập thơ Đất sau mưa (1977)

 

Tập thơ Khoảng cách giữa lời (1984)

 

Tập thơ Cát sáng (1985)

 

Tập thơ Bếp lửa – Khoảng trời (1986)

 

Tập thơ Ném câu thơ vào gió (2001)

 

Thơ trữ tình (2002)

 

Phong cách nghệ thuật trong thơ Bằng Việt:

 

Thơ Bằng Việt sở hữu cái tôi trữ tình độc đáo, giàu sáng tạo. Các tác phẩm của ông mang một hồn thơ đôn hậu, vừa nhạy cảm lại rất sang trọng, giàu chất trí tuệ. Khác với các nhà thơ của thế hệ kháng chiến chống Mỹ, phong cách thơ của Bằng Việt trải đều trên các phương diện từ nội dung đến hình thức và nghệ thuật. 

 

Về nội dung thơ, các bài thơ của Bằng Việt thường được lấy cảm hứng từ quê hương, đất nước và con người trong chiến tranh. 

 

Về phương diện nghệ thuật, thơ Bằng Việt có những sáng tạo độc đáo trong việc phát triển thể thơ tự do, ngôn ngữ thơ hiện đại, giản dị, đậm chất tự sự văn xuôi. Đặc biệt, ngôn ngữ thơ Bằng Việt không hoa mỹ, cầu kỳ mà được chọn lọc từ thực tế đời sống, từ những suy nghĩ và rung động tinh tế của tác giả. Các liên tưởng, hình ảnh thơ và các sự vật so sánh trong thơ Bằng Việt luôn toát lên khí chất hào hoa, tư duy hiện đại, mang chất trí tuệ phương Tây.



2. Tác phẩm Bếp lửa

a. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm Bếp lửa

– Bài thơ Bếp lửa được ra đời vào năm 1963, khi Bằng Việt đang là sinh viên Luật ở nước ngoài. Bài thơ là sự hồi tưởng của tác giả về hình ảnh người bà, về quê hương khi nhìn thấy hình bóng chiếc bếp lửa.

 

– Bài thơ xuất bản trong tập thơ Hương cây – Bếp lửa năm 1968. Đây là tập thơ được đồng sáng tác bởi Bằng Việt và Lưu Quang Vũ.

 

b. Ý nghĩa nhan đề “Bếp lửa”

Nhan đề “Bếp lửa” trong bài thơ là một hình ảnh đặc biệt sáng tạo, vừa mang nghĩa tả thực, vừa mang nghĩa biểu tượng:

 

Ý nghĩa tả thực: 

 

– Bếp lửa là vật được sử dụng để đun nấu, là hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong mỗi gia đình người Việt

 

– Bếp lửa là vật dụng gắn liền với những kỉ niệm ấu thơ, gắn liền với người bà của tác giả

 

Ý nghĩa biểu tượng: 

 

– Bếp lửa tượng trưng cho sự tần tảo của người bà trong những năm tháng đói nghèo để giúp người cháu trưởng thành và khôn lớn một cách tốt nhất 

 

– Bếp lửa là sự sống, niềm tin và hy vọng mà người bà mong muốn ở cháu trong tương lai

 

– Bếp lửa là biểu tượng của văn hóa gia đình, cho quê hương, đất nước, nơi đã nâng bước người cháu trên suốt hành trình trưởng thành 

 

=> Với nhan đề “Bếp lửa”, tác giả đã thể hiện sâu sắc chủ đề chính của bài thơ. Đó là hồi tưởng, suy tư của tác giả về tình bà cháu giản dị, là tình cảm dành cho gia đình, quê hương, đất nước sâu đậm

 

c. Bố cục nội dung bài thơ Bếp lửa

– Phần I: khổ thơ đầu: Hình ảnh bếp lửa gợi nỗi nhớ về kỉ niệm tuổi thơ cùng tình bà cháu

 

– Phần II: khổ 2,3,4: Những hoài niệm về năm tháng chiến tranh sống cùng bà và bếp lửa

 

– Phần III: khổ 5,6: Suy ngẫm về hình ảnh người bà và bếp lửa

 

– Phần IV: khổ thơ cuối: Nỗi nhớ khắc khoải về bà và bếp lửa