Thi truong bat dong san 2020
Chuyên gia cho rằng, pháp luật chưa theo kịp thị trường bất động sản, hệ quả là nhiều dự án năm nay chưa được phê duyệt, kéo theo nguồn cung trong 2 năm tới sẽ bị suy giảm, giá sẽ tăng và xu hướng tăng giá đã xuất hiện ở một số nơi…
Chia sẻ tại diễn đàn “Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020” vào sáng 19/12, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển tốt, thị trường bất động sản đang phát triển tốt, tính thanh khoản cao, giao dịch thành công đến 90% nhưng năm 2019 chững lại, nhiều dự án không được phê duyệt vì vướng mắc pháp luật.
“Condotel đang phát triển tốt thì từ câu chuyện của Cocobay có biểu hiện 'giữa đường đứt gánh', nên tôi cho rằng các dự án condotel tiếp theo sẽ bị ngừng lại. Có thể thấy, ảnh hưởng lớn nhất là pháp luật chưa theo kịp thị trường bất động sản, hệ quả là nhiều dự án năm nay chưa được phê duyệt, kéo theo nguồn cung trong 2 năm tới sẽ bị suy giảm, giá sẽ tăng và xu hướng tăng giá đã xuất hiện ở một số nơi”, ông Võ cho hay.
Theo ông Võ, hoàn cảnh này sẽ ảnh hưởng đến phát triển của kinh tế nói chung. Từ đó, đặt ra câu chuyện với Chính phủ là đừng để xảy ra những điều bất thường trong quá trình phát triển, để condotel không bị 'đứt gánh' và phát triển tốt, nhà ở phát triển tốt và mức giá thấp đi, để người dân có lợi hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nhu cầu thực tế của người dân đối với bất động sản rất lớn.
“Anh em môi giới nói tiền trong dân rất nhiều, có những người cầm cả bọc đến tìm chỗ đầu tư. Thậm chí, có một dự án mới mở bán trong TP.HCM, chỉ mới bung hàng khoảng một quý đã “bay” cả hơn chục nghìn căn hộ. Rõ ràng nhu cầu mua bất động sản của người dân rất mạnh”, ông Đính đánh giá.
Tuy nhiên, ông Đính lo ngại, nhu cầu lớn mà nguồn cung không theo kịp là điều phải cảnh báo. Hà Nội dự báo sẽ hết hàng sớm hơn TP.HCM. Nếu năm 2020, cung của thị trường vẫn nhiều thì sẽ là một năm tốt đẹp. Tuy nhiên, cần phải rà soát lại cung không chỉ ở hai thành phố lớn mà còn ở ở các thị trường bất động sản đang phát triển vài năm trở lại đây.
“Chính phủ cần phải thúc đẩy tiến trình này, nếu không tôi lo rằng 1-2 năm nữa thị trường sẽ gặp vấn đề quan trọng”, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay.
Nhận định về thị trường bất động sản 2020, ông Đính dự báo thị trường bất động sản vẫn giữ 'nhịp thở' như năm 2019. Nhưng thị trường có những thách thức nằm ở chính sách phát triển dự án, thủ tục và giá đất ở các tỉnh bắt đầu tăng. Chính sách đã làm hạn chế nguồn cung và làm tăng giá bất động sản. Khi đó thị trường không bình thường, cơ hội cho đối tượng nghèo, chính sách tiếp cận nhà ở khó hơn.
Còn luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Basico nhận định, thị trường bất động sản năm 2020 vẫn tốt, nhưng còn nhiều vấn đề pháp lý vướng mắc.
“Những quy định như có quyền sở hữu về tài sản là có mọi quyền trên đời nhưng có quyền sở hữu bất động sản của doanh nghiệp không được phép thế chấp (chỉ được thế chấp ở ngân hàng), cộng thêm việc không được huy động vốn sớm và vốn bất động sản phụ thuộc và ngân hàng, đây là sai lầm. Cần phải sửa những điều khoản như thế nào, ảnh hưởng lâu dài, làm méo mó nguyên lý của thị trường”, luật sư Đức góp ý.
Còn GS. Đặng Hùng Võ thì cho rằng, với người dân, nhà đầu tư thứ cấp, ai tận dụng được tiền trong dân thì sẽ thắng. Thời gian qua nhiều nhà đầu tư thứ cấp mất tiền, thua thiệt không thiếu, đặc biệt là những người vay tiền để đầu tư.
“Lời khuyên tôi đưa ra là phụ thuộc vào 2 kịch bản sửa đổi pháp luật. Thứ nhất, sửa mà không xong, sửa nhưng không đúng quy luật thị trường. Thứ hai, sửa tốt, hiệu quả, thúc đẩy thị trường. Trong đó, nếu sửa luật hiệu quả, nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào phân khúc nào cũng có thể đạt được lợi ích, chỉ còn một điều là nhà đầu tư dự án là ai, độ tin cậy đến đâu, dự án nằm ở vị trí nào. Nếu pháp lý chưa xuôi, nên đầu tư vào các dự án nhà ở, tất nhiên vẫn phải nhìn xem chủ đầu tư là ai, độ tin cậy, ở vị trí nào…”, ông Võ nói.